LÊN CHIẾN LƯỢC ĐỊNH CƯ CANADA CHO
CÁ NHÂN & GIA ĐÌNH

Đất nước Canada: Xứ sở lá phong và những điều thú vị

Từ những dãy núi tuyết hùng vĩ đến các thành phố hiện đại đầy sức sống, Canada gây ấn tượng với vẻ đẹp thiên nhiên, nền văn hóa đa dạng và chất lượng sống thuộc hàng đầu thế giới. Quốc gia này liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu về nhân quyền, an toàn xã hội, mức độ hạnh phúc, sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

Không dừng lại ở một điểm đến du lịch hấp dẫn, Canada còn là lựa chọn hàng đầu cho những ai đang tìm kiếm cơ hội học tập, làm việc và định cư lâu dài. Trong bài viết này, hãy cùng Phan Immigration khám phá lý do vì sao đất nước Canada thu hút hàng triệu người mỗi năm cũng như những lộ trình định cư tối ưu mà bạn có thể cân nhắc để hiện thực hóa giấc mơ đặt chân đến quốc gia đáng sống bậc nhất hành tinh.

Giới thiệu chung về đất nước Canada

Sau đây là một vài thông tin cơ bản mà bạn cần biết về đất nước Canada:

Tên đầy đủ

Canada
Tên gọi Canada có nguồn gốc từ “Kanata”, trong ngôn ngữ của người Iroquois Saint Lawrence mang ý nghĩa là “làng” hoặc “khu định cư”. Vào năm 1535, khi nhà thám hiểm người Pháp – Jacques Cartier đến khu vực này, người dân bản địa đã dùng từ “Kanata” để chỉ đường đến làng Stadacona. Sau đó, Cartier đã mở rộng cách sử dụng từ “Canada”, không chỉ cho ngôi làng mà còn cho toàn bộ vùng đất thuộc quyền của tù trưởng Donnacona tại Stadacona. Đến khoảng năm 1545, các tài liệu và bản đồ ở châu Âu bắt đầu sử dụng tên gọi Canada để chỉ khu vực này.Sau khi Liên bang Canada được thành lập vào năm 1867, tên gọi chính thức cho vùng đất được chọn là Dominion of Canada (Lãnh thổ tự trị Canada). Tuy nhiên, khi Canada dần khẳng định quyền tự chủ của mình đối với phía Anh Quốc, chính phủ liên bang đã ưu tiên sử dụng tên gọi Canada trong các văn bản và hiệp định chính thức. Sự thay đổi này được thể hiện rõ qua việc đổi tên ngày lễ quốc gia từ Dominion Day (Ngày Lãnh thổ tự trị) thành Canada Day (Ngày Canada) vào năm 1982.

Quốc huy

Trên đỉnh là vương miện Hoàng gia Anh và con sư tử đội vương miện, cầm lá phong. Ở giữa là chiếc khiên chia làm 5 phần tượng trưng cho các quốc gia sáng lập (Anh, Pháp, Scotland, Ireland và biểu tượng lá phong ba thùy tượng trưng cho Canada). Hai bên khiên là sư tử vàng và kỳ lân bạc. Phía dưới khiên là dòng chữ “A Mari Usque Ad Mare” (Từ biển này đến biển kia). Dải ruy băng tròn, màu đỏ bao quanh khiên là dòng chữ “Desiderantes Meliorem Patriam” (Họ mong muốn một đất nước tốt đẹp hơn). Bệ đỡ bên dưới là các biểu tượng hoa 4 tỉnh ban đầu của Canada (hoa hồng Anh, cây kế Scotland, cỏ ba lá Ireland , hoa loa kèn Pháp).

Người đứng đầu đất nước

Quân chủ: Vua Charles III

Toàn quyền: Mary Simon

Thủ tướng: Mark Carney

Thủ đô

Ottawa, Ontario

Vị trí 

Canada nằm ở Bắc Mỹ, giáp với Hoa Kỳ ở phía nam và tây bắc, giáp Đại Tây Dương ở phía đông, giáp Thái Bình Dương ở phía tây và giáp Bắc Băng Dương ở phía bắc.

Diện tích

Khoảng 9.984.670 km²

Dân số

41.465.298 người (theo số liệu 2024)

Tiền tệ

Đô la Canada (CAD)

Ngôn ngữ chính thức

Tiếng Anh và tiếng Pháp

Các thành phố lớn

Toronto, Montreal, Calgary, Ottawa, Edmonton, Mississauga, Winnipeg, Vancouver, Brampton, Hamilton

Thu nhập trung bình

$72.800 mỗi năm (theo số liệu năm 2024)

Tuổi thọ trung bình

Khoảng 82 tuổi (theo số liệu năm 2020 – 2022)

Đất nước Canada là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách và người nhập cư
Đất nước Canada là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách và người nhập cư

Lịch sử hình thành và phát triển

Lịch sử hình thành và phát triển đất nước Canada có các mốc quan trọng sau:

Thời cổ đại

  • Khoảng 50.000 năm TCN, xuất hiện nhóm người di cư từ lục địa Á – Âu vượt qua eo biển Bering đến Alaska. Tuy nhiên, sự tiến vào lục địa của họ bị cản trở do băng tuyết dày đặc. Khoảng 16.000 TCN, khi băng tan nhóm người này tiếp tục di chuyển về phía đông và nam của lục địa Bắc Mỹ rồi định cư tại đây.
  • Vào khoảng 8.000 năm TCN, khí hậu vùng Bắc Mỹ dần ấm lên, tương đối giống với khí hậu ngày nay dù vẫn còn nhiều vùng băng giá.

Năm 1497

  • Từ thế kỷ XV, các nhà thám hiểm châu Âu, lần lượt là người Bồ Đào Nha, Pháp và Anh đã khám phá các vùng đất của Canada, bao gồm đảo Newfoundland, Labrador và vịnh Hudson.
  • Sang thế kỷ XVII và XVIII, người Anh cùng người Pháp bắt đầu thiết lập các khu định cư và tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ, dẫn đến các cuộc xung đột với người bản địa, đỉnh điểm là Chiến tranh bảy năm (1756 – 1763) giữa Anh và Pháp. Kết quả là Pháp phải nhượng phần lớn lãnh thổ Bắc Mỹ cho Anh vào năm 1763.

Năm 1867

  • Năm 1864, các hội nghị quan trọng tại Quebec và Charlottetown đã đặt nền móng cho việc các thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ thống nhất thành một liên bang.
  • Ngày 1 tháng 7 năm 1867, cùng sự ban hành của Đạo luật Anh tại Bắc Mỹ, Quốc gia tự trị Canada chính thức được thành lập gồm bốn tỉnh bang ban đầu là Ontario, Quebec, New Brunswick và Nova Scotia.

Năm 1931

  • Năm 1931, Đạo luật Westminster được Quốc hội Anh thông qua, trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các quốc gia thuộc địa Anh, bao gồm cả Canada, bằng cách loại bỏ hầu hết quyền lập pháp của Anh đối với các thuộc địa này.
  • Cuối cùng, vào năm 1982, Đạo luật Canada được ban hành, chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc về mặt pháp lý của Canada vào Nghị viện Anh.
Canada có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài
Canada có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài

Địa lý và khí hậu

Canada là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới về diện tích (chỉ sau Nga), trải dài trên phần lớn khu vực phía bắc của lục địa Bắc Mỹ. Đất nước này chỉ giáp với một quốc gia duy nhất là Hoa Kỳ và 3 đại dương, cụ thể:

  • Phía đông: Giáp với Đại Tây Dương.
  • Phía tây: Giáp với Thái Bình Dương.
  • Phía bắc: Giáp với Bắc Băng Dương.
  • Phía nam và tây bắc: Giáp với Mỹ bằng đường biên giới chung trên bộ dài nhất thế giới.

Địa hình đất nước Canada vô cùng đa dạng, bao gồm các dãy núi cao chót vót và núi lửa tập trung ở phía tây, những đồng bằng rộng lớn ở miền trung, hệ thống hồ và sông phong phú ở phía nam, các khu rừng hoang sơ và vùng lãnh nguyên băng giá ở phía bắc.

Với diện tích rộng lớn và nhiều dạng địa hình phong phú nên khí hậu của Canada cũng hết sức đa dạng, từ các vùng băng giá phía bắc cho đến khí hậu ôn đới ở phía nam. Tùy theo khu vực, mùa và độ cao, khí hậu Canada sẽ có sự thay đổi khác nhau tạo nên những trải nghiệm riêng biệt cho cư dân và du khách. Tuy nhiên, nhìn chung Canada sẽ có 4 mùa rõ rệt với vẻ đẹp và nét đặc trưng riêng:

  • Mùa xuân (tháng 3 đến tháng 5): Mùa xuân ở Canada đánh dấu sự trở lại của sự sống sau mùa đông lạnh giá. Thời tiết dần ấm lên, ngày dài hơn, tuyết bắt đầu tan chảy, cây cối đâm chồi nảy lộc và hoa nở rộ. Nhiệt độ trung bình dao động từ 5 – 15°C tùy theo vùng, nhưng có thể thay đổi nhanh chóng.
  • Mùa hè (tháng 6 đến tháng 8): Mùa hè là thời điểm ấm áp và nhiều nắng nhất trong năm. Nhiệt độ trung bình thường dưới 20°C ở phía Bắc và có thể lên đến 35°C ở các khu vực miền Nam như Vancouver, Toronto hay Montreal. Đây là thời điểm thích hợp cho các ngoài trời như cắm trại, đi bộ đường dài, dã ngoại và tham quan các lễ hội.
  • Mùa thu (tháng 9 đến tháng 11): Mùa thu ở Canada nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp khi lá cây chuyển sang các màu vàng, cam, đỏ rực rỡ. Thời tiết trở nên mát mẻ hơn, nhiệt độ giảm dần, dao động từ 7 – 17°C tùy khu vực nhưng có thể se lạnh vào cuối mùa. Đây là thời điểm thích hợp cho các hoạt động như đi bộ ngắm cảnh, thu hoạch nông sản và tham gia các lễ hội mùa thu.
  • Mùa đông (tháng 12 đến tháng 2): Mùa đông ở Canada thường lạnh giá và có tuyết rơi ở hầu hết các vùng. Nhiệt độ có thể xuống -25°C hoặc thấp hơn ở các tỉnh bang phía bắc như Winnipeg, Calgary hoặc Ottawa, riêng vùng Vancouver thì ấm hơn với mức nhiệt hiếm khi dưới 0°C. Vào mùa này, tuyết phủ trắng xóa tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp, thu hút những người yêu thích các môn thể thao mùa đông như trượt tuyết, trượt băng, đi xe trượt tuyết và câu cá trên băng.
Địa hình và khí hậu Canada rất đa dạng với 4 mùa rõ rệt
Địa hình và khí hậu Canada rất đa dạng với 4 mùa rõ rệt

Hệ thống chính trị và nhân khẩu học

Về hệ thống chính trị

Canada vận hành theo hệ thống quân chủ lập hiến và nghị viện, với Vua Charles III là quân chủ và người đại diện của ông tại Canada là Toàn quyền (hiện tại là Mary Simon). Tuy nhiên, vai trò của quân chủ và Toàn quyền mang tính nghi lễ, quyền lực thực tế thuộc về Hội đồng Nội các, bao gồm các Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Thủ tướng Canada (hiện tại là Justin Trudeau) là người đứng đầu chính phủ và lựa chọn các thành viên của Hội đồng Nội các.

Đất nước Canada là một thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng, bao gồm Khối Thịnh vượng chung, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm bảy quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Quốc gia này duy trì chính sách đối ngoại độc lập và được công nhận là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định nhất trên thế giới, với ít xung đột sắc tộc và tranh chấp quyền lợi nội bộ cũng như giữ quan hệ hòa hảo với các quốc gia khác trên thế giới.

Canada vận hành theo hệ thống quân chủ lập hiến và nghị viện

Về nhân khẩu học

Về khu vực hành chính, Canada được chia thành 10 tỉnh bang và 3 vùng lãnh thổ, bao gồm: Alberta, British Columbia, Manitoba, New Brunswick, Newfoundland and Labrador, Nova Scotia, Ontario, Prince Edward Island, Quebec, Saskatchewan và 3 vùng lãnh thổ là: Northwest Territories, Nunavut và Yukon.

Canada có ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Pháp. Theo thống kê, gần 60% dân số Canada có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ và khoảng 22% dân số có tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ. Phần lớn người nói tiếng Pháp tập trung ở tỉnh bang Quebec, ngoài ra còn có cộng đồng đáng kể ở Ontario, New Brunswick và Manitoba. Đặc biệt, New Brunswick (Nouveau-Brunswick) là tỉnh bang duy nhất của Canada sử dụng song ngữ.

Cần lưu ý rằng các tỉnh bang có quyền tự trị lớn hơn so với các vùng lãnh thổ. Các vùng lãnh thổ nhận quyền lực và ủy nhiệm từ chính phủ liên bang. Ngược lại, các tỉnh bang có quyền hạn trực tiếp từ Hiến pháp Canada và chịu trách nhiệm chính về sự phát triển kinh tế – xã hội trong phạm vi tỉnh bang của mình.

Mỗi tỉnh bang và vùng lãnh thổ tại đất nước Canada đều có những đặc trưng về văn hóa, lịch sử và địa lý riêng, cụ thể:

Tỉnh bang/ vùng lãnh thổ

Mô tả

Alberta

Với thủ phủ là Edmonton, tỉnh bang này nổi tiếng về ngành dầu khí và sở hữu phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, điển hình là Công viên Quốc gia Banff.

British Columbia

Victoria là thủ phủ của tỉnh bang này, có thành phố Vancouver năng động và đường bờ biển Thái Bình Dương tuyệt đẹp trải dài.

Manitoba

Thủ phủ là Winnipeg, tỉnh bang này được biết đến với những đồng bằng màu mỡ và trải nghiệm khí hậu bốn mùa rõ rệt.

New Brunswick

Thủ phủ là Fredericton, có bờ biển đẹp và là nơi giao thoa độc đáo của hai ngôn ngữ chính thức, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Newfoundland and Labrador

St. John’s là thủ phủ, tỉnh bang này có vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, đồng thời là điểm đón bình minh đầu tiên ở Bắc Mỹ.

Nova Scotia

Có Halifax là thủ phủ, đây là vùng đất giàu truyền thống hàng hải và sở hữu những cảnh quan duyên hải đầy quyến rũ.

Ontario

Thủ phủ Toronto, Ontario là trung tâm kinh tế và tài chính của Canada và là nơi tọa lạc của thác Niagara tráng lệ.

Prince Edward Island

Thủ phủ Charlottetown, tỉnh bang này có diện tích nhỏ bé nhưng lại chứa đựng một bề dày văn hóa và truyền thống nông nghiệp đáng tự hào.

Quebec

Thành phố Quebec là thủ phủ của tỉnh bang, gây ấn tượng với kiến trúc cổ kính đậm chất Pháp và nền văn hóa đặc sắc.

Saskatchewan   

Regina là thủ phủ, tỉnh bang này nổi tiếng với những đồng cỏ mênh mông và vai trò then chốt trong ngành nông nghiệp.

Northwest Territories

Yellowknife là thủ phủ, tại đây du khách có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của cực quang Bắc cực (Northern Lights).

Nunavut 

Với thủ phủ là Iqaluit, vùng lãnh thổ nằm ở Bắc Cực này là quê hương của cộng đồng người Inuit với những nét văn hóa và phong tục độc đáo.

Yukon

Whitehorse là thủ phủ, nổi tiếng với khung cảnh núi non hùng vĩ và lịch sử vàng son gắn liền với cơn sốt vàng Klondike.

Các tỉnh bang và vùng lãnh thổ Canada có những nét đặc trưng riêng
Các tỉnh bang và vùng lãnh thổ Canada có những nét đặc trưng riêng

Nền kinh tế Canada

Đất nước Canada là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, đồng thời cũng được xem là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới xét trên bình quân đầu người nhờ dân số thưa thớt. Bên cạnh đó, Canada còn là thành viên của Nhóm G7 (tập hợp 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nền kinh tế Canada có thế mạnh ở cả lĩnh vực dịch vụ (chiếm 34 tỷ đô la trong nền kinh tế) và ngành khai thác tài nguyên khoáng sản. Quốc gia này cũng được đánh giá cao về mức độ tự do kinh tế trên thế giới. Đặc biệt, nền kinh tế Canada có mối liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ, cả về cơ cấu kinh tế lẫn mô hình sản xuất. Với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 46.212 USD, Canada còn nổi bật trong nhóm G7 với mức nợ công thuộc hàng thấp nhất.

Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Canada, trong tháng 2/2025, tỷ lệ thất nghiệp của Canada vẫn duy trì ở mức 6.6% tương đương với tháng trước. Tuy nhiên, nền kinh tế Canada chỉ tạo thêm 1.100 việc làm ròng trong tháng này, một con số thấp hơn nhiều so với dự báo 20.000 việc làm từ giới phân tích.

Trong số các việc làm mới, số lượng việc làm bán thời gian tăng lên, trong khi lĩnh vực sản xuất hàng hóa lại có sự sụt giảm 19.500 vị trí việc làm, chủ yếu trong ngành dịch vụ công cộng. Ngược lại, lĩnh vực dịch vụ lại có sự tăng trưởng với 20.600 việc làm mới, được thúc đẩy bởi sự phát triển của các ngành bán buôn và bán lẻ, tài chính, bảo hiểm, bất động sản và cho thuê.

Mặc dù tỷ lệ tham gia lực lượng lao động có sự giảm nhẹ xuống 65.3% từ mức 65.5% của tháng trước, mức lương trung bình theo giờ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 4% so với cùng kỳ năm 2024. Chính vì những yếu tố này, chính phủ Canada đang tích cực mở rộng các chương trình định cư diện tay nghề nhằm thu hút thêm nguồn lao động có kỹ năng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động và thúc đẩy tăng tăng trưởng kinh tế bền vững.

Canada là một trong những nền kinh tế lớn, phát triển nhất toàn cầu
Canada là một trong những nền kinh tế lớn, phát triển nhất toàn cầu

Nền giáo dục

Canada tự hào sở hữu một hệ thống giáo dục chất lượng cao, được công nhận trên toàn thế giới. Với trách nhiệm quản lý giáo dục chủ yếu thuộc về các tỉnh bang, hệ thống này mang đến sự đa dạng trong phương pháp giảng dạy và chương trình học, đồng thời cam kết mang lại cơ hội học tập tốt nhất cho mọi người. Các cấp bậc chính trong hệ giáo dục tại đất nước Canada gồm:

Cấp bậc giáo dục

Đặc điểm

Tiểu học

  • Bắt đầu từ lớp 1 đến lớp 6, tương ứng với học sinh từ 6 – 12 tuổi.
  • Tập trung vào việc xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản đủ để chuyển lên bậc trung học phổ thông.
  • Môi trường học tập thân thiện, khuyến khích sự phát triển toàn diện của trẻ.

Trung học

  • Bắt đầu từ lớp 7 đến lớp 11, 12 hoặc 13 (tùy tỉnh bang).
  • Cung cấp kiến thức chuyên sâu hơn ở nhiều lĩnh vực, học sinh có thể lựa chọn các môn học tự chọn theo sở thích và định hướng nghề nghiệp.
  • Hầu hết trường trung học không yêu cầu bằng cấp tiếng Anh của du học sinh mà chú trọng đến điểm học văn hóa tốt. Khi nhập học, du học sinh sẽ thực hiện bài thi ngoại ngữ để kiểm tra trình độ và xếp lớp, cũng như xác định có phải học thêm ngoại ngữ bên cạnh lớp văn hóa hay không.
  • Kết thúc bằng việc nhận bằng tốt nghiệp trung học (High School Diploma).

Sau trung học

  • Bậc Cao đẳng (Colleges):
  • Gồm 3 loại hình: cao đẳng nghề, cao đẳng cộng đồng và cao đẳng đại học.
  • Thường tập trung vào các chương trình đào tạo nghề, kỹ thuật, ứng dụng theo nhu cầu của xã hội và cấp bằng cao đẳng, chứng chỉ.
  • Thời gian đào tạo nhanh từ 1 – 3 năm.
  • Bậc Đại học (Universities):
  • Canada có nhiều trường đại học được đánh giá cao về chất lượng đào tạo và thuộc top đầu thế giới.
  • Thường tập trung vào các chương trình học thuật, nghiên cứu mang tính tiên tiến nhất như: công nghệ nano, công nghệ gen, lập trình game, lập trình ứng dụng, thiết kế phần mềm,…
  • Cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tùy chương trình đào tạo tương tự như hệ thống giáo dục tại Việt Nam.

Đặc biệt, con cái của thường trú nhân tại Canada được hưởng nhiều quyền lợi giáo dục tương đương với công dân Canada, ví dụ được miễn học phí tại các trường công lập từ mẫu giáo đến lớp 12. Bên cạnh đó, học phí các chương trình đào tạo sau trung học cũng được miễn giảm nhiều so với sinh viên quốc tế, tùy theo chính sách của tỉnh bang và trường học.

Canada có nền giáo dục chất lượng cao, thuộc top đầu thế giới
Canada có nền giáo dục chất lượng cao, thuộc top đầu thế giới

Hệ thống y tế

Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở đất nước Canada được quản lý riêng biệt bởi từng tỉnh bang và vùng lãnh thổ, với chương trình được tài trợ công khai có tên gọi không chính thức là Medicare. Được quy định bởi Đạo luật Y tế Canada từ năm 1984, dịch vụ y tế công Medicare được xem là một giá trị cốt lõi, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết, dù họ sống ở đâu trên đất nước.

Thông thường, Medicare sẽ chi trả phần lớn chi phí y tế (khoảng 70%) và 30% còn lại được chi trả thông qua bảo hiểm tư nhân. Ngoài ra, có một số dịch vụ y tế tư nhân không được chi trả bởi Medicare hoặc chỉ hỗ trợ 1 phần thường là các dịch vụ không thiết yếu như nha khoa, thẩm mỹ, chăm sóc thị lực,…

Nhìn chung, Canada là đất nước được đánh giá có phúc lợi xã hội tốt. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, Canada xếp hạng 15 với điểm số 6.9/10, dựa trên các yếu tố như chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội.

Hệ thống y tế Canada đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân
Hệ thống y tế Canada đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân

Văn hóa tại Canada

Biểu tượng ngôn ngữ

Nền văn hóa Canada là sự hòa quyện độc đáo giữa bản sắc của người dân bản địa và các di sản văn hóa châu Âu, tạo nên một quốc gia đa văn hóa đặc sắc. Bắt đầu từ thế kỷ XVIII, lá phong đã trở thành biểu tượng tượng trưng cho sức mạnh, văn hóa và lịch sử phong phú của Canada. Bên cạnh đó, những biểu tượng nổi tiếng khác như hải ly, ngỗng Canada, vương miện và cột gỗ cũng được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới.

Đất nước Canada sử dụng 2 ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp. Trong đó, khoảng 60% dân số sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức và 22% dân số sử dụng tiếng Pháp làm ngôn ngữ mẹ đẻ trong đời sống hàng ngày.

Ẩm thực

Nền ẩm thực Canada nổi tiếng với sự đa dạng và độc đáo, phản ánh sự pha trộn của nhiều nền văn hóa. Với biểu tượng là lá phong đỏ, không ngạc nhiên khi Canada có nhiều món ăn đặc trưng sử dụng nguyên liệu từ loại cây này.

Khi ghé thăm Canada, bạn nhất định phải thưởng thức những đặc sản hấp dẫn như siro cây lá phong ngọt ngào, rượu vang đá, món tôm hùm đút lò trứ danh từ đảo Prince Edward, món chân hải cẩu của vùng Newfoundland, bánh đường cây phong thơm ngon của Quebec, phô mai Oka và bánh mì tròn bagel kiểu truyền thống, thịt bò Alberta hảo hạng,…

Canada có nền ẩm thực nổi tiếng và hết sức đa dạng
Canada có nền ẩm thực nổi tiếng và hết sức đa dạng

Nghệ thuật

Nền nghệ thuật Canada rất phong phú, bao gồm hội họa, tranh ảnh, in ấn, âm nhạc, văn học, truyền hình và điện ảnh. Đất nước Canada cũng được biết đến như một trung tâm sản xuất phim và chương trình truyền hình hàng đầu ở Bắc Mỹ, nơi nghệ thuật châu Âu hòa quyện với văn hóa bản địa độc đáo của lục địa này.

Thể thao

Các môn thể thao được yêu thích hàng đầu tại Canada bao gồm khúc côn cầu trên băng, Lacrosse và bóng rổ. Bên cạnh đó, người dân Canada còn đam mê các môn thể thao chơi được quanh năm như bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, bóng bầu dục, bóng chày, quần vợt, golf, bowling, bơi lội, trượt tuyết, đua thuyền canoe, đạp xe, cưỡi ngựa và các môn võ thuật,…

Canada cũng là nơi tổ chức nhiều giải đấu chuyên nghiệp phối hợp với Hoa Kỳ, đồng thời phong trào thể thao nghiệp dư tại đây cũng phát triển rất mạnh mẽ.

Với nền tảng vững chắc về kinh tế, xã hội và văn hóa, đất nước Canada tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới. Là một quốc gia luôn chú trọng đến chất lượng cuộc sống, sự bền vững và các giá trị nhân văn, Canada hứa hẹn sẽ tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn và một quốc gia đáng tự hào trong tương lai.

TẠI SAO NÊN CHỌN PHAN IMMIGRATION & CONSULTING

Đội ngũ chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm

Cung cấp dịch vụ toàn diện và cá nhân hoá từng khách hàng

Mạng lưới đối tác chặt chẽ cùng luật sư di trú, luật sư kinh tế, và doanh nghiệp địa phương tại Canada

Cam kết minh bạch và trách nhiệm

REVIEW TỪ KHÁCH HÀNG

LÊN CHIẾN LƯỢC ĐỊNH CƯ CANADA CHO

CÁ NHÂN & GIA ĐÌNH