Canada trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều gia đình muốn đoàn tụ và xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, quá trình bảo lãnh con cái sang Canada đòi hỏi phải tuân thủ các quy định nhập cư và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu. Năm 2025, chính sách bảo lãnh có thể có những thay đổi quan trọng, ảnh hưởng đến thời gian xử lý và điều kiện xét duyệt. Trong bài viết dưới đây Phan Immigration sẽ hướng dẫn chi tiết về điều kiện và quy trình giúp gia đình quý độc giả có thể bảo lãnh con cái sang Canada một cách thành công nhé.
Điều kiện khi bảo lãnh con cái sang Canada
Bảo lãnh con cái sang Canada là chương trình đoàn tụ gia đình quan trọng, giúp cha mẹ và con cái có thể chung sống tại đất nước này. Dưới đây là những yêu cầu quan trọng đối với người bảo lãnh và người được bảo lãnh.
Điều kiện đối với người bảo lãnh (cha mẹ)
Người bảo lãnh cần đáp ứng các tiêu chí sau để đủ điều kiện nộp hồ sơ:
- Tình trạng cư trú: Người bảo lãnh bắt buộc là công dân Canada hoặc thường trú nhân hợp pháp.
- Nếu là công dân Canada nhưng đang sinh sống ở nước ngoài, cần cung cấp bằng chứng về kế hoạch quay lại Canada khi con cái được chấp thuận thường trú.
- Nếu là thường trú nhân Canada, bắt buộc phải đang sinh sống tại Canada khi nộp đơn. Trường hợp cư trú bên ngoài Canada sẽ không đủ điều kiện bảo lãnh.

- Độ tuổi: Phải từ 18 tuổi trở lên tại thời điểm nộp đơn bảo lãnh.
- Khả năng tài chính và trợ cấp xã hội:
- Chứng minh khả năng tài chính: Người bảo lãnh phải có đủ thu nhập để đảm bảo chi trả các nhu cầu cơ bản của con cái, giúp người được bảo lãnh không cần phụ thuộc vào trợ cấp từ chính phủ Canada.
- Không được nhận trợ cấp xã hội, ngoại trừ trường hợp nhận hỗ trợ do khuyết tật.
- Cam kết và thỏa thuận bảo trợ:
- Cha mẹ bảo lãnh con sang Canada phải ký cam kết hỗ trợ tài chính trong một khoảng thời gian nhất định sau khi được chấp thuận thường trú.
- Nếu người được bảo lãnh nhận bất kỳ khoản trợ cấp xã hội nào trong thời gian bảo trợ, người bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền đó cho chính phủ.
- Cả người bảo lãnh và người được bảo lãnh phải đồng ý tuân thủ các điều kiện được quy định trong thỏa thuận bảo trợ.
- Yêu cầu về thu nhập:
- Không có yêu cầu tối thiểu nào về thu nhập đối với bảo lãnh con cái phụ thuộc.
- Trường hợp con cái phụ thuộc có con riêng (tức là cháu của người bảo lãnh), người bảo lãnh phải đáp ứng yêu cầu thu nhập tối thiểu theo quy định.
Dưới đây là bảng tổng hợp mức thu nhập tối thiểu yêu cầu (Cập nhật năm 2025):
Số lượng người trong gia đình | Thu nhập tối thiểu (CAD) | Số tiền quy đổi (VND) |
1 | 29,380 | 525.732.477 |
2 | 36,576 | 654.499.356 |
3 | 44,966 | 804.631.946 |
4 | 54,594 | 976.917.592 |
5 | 61,920 | 1.108.010.721 |
6 | 69,834 | 1.249.625.657 |
7 | 77,750 | 1.391.276.382 |
>7 | 7,916/trẻ | 141.650.724/trẻ |
*Tỷ giá hối đoái cập nhật ngày 25/03/2025 |
Điều kiện của người nhận sự bảo lãnh (con cái)
Khi muốn cha mẹ bảo lãnh con sang Canada, không phải tất cả trường hợp đều đủ điều kiện. Chính phủ Canada quy định rõ những tiêu chí mà con cái phải đáp ứng để được xem là người phụ thuộc và hợp lệ trong diện bảo lãnh nhằm đảm bảo con cái có thể định cư hợp pháp và phù hợp với chính sách nhập cư của Canada. Dưới đây là những điều kiện quan trọng cần biết trước khi tiến hành hồ sơ bảo lãnh.
Tiêu chí để được xem là người phụ thuộc hợp pháp:
- Dưới 22 tuổi vào thời điểm nộp hồ sơ.
- Chưa kết hôn hoặc chưa có bạn đời chung sống hợp pháp.
Trường hợp trẻ từ 22 tuổi trở lên vẫn có thể được coi là người phụ thuộc nếu:
- Không thể tự lo tài chính do tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần.
- Phụ thuộc vào cha mẹ về tài chính trước khi tròn 22 tuổi và vẫn tiếp tục phụ thuộc sau đó.
Điều kiện này phải được duy trì liên tục cho đến khi quá trình xét duyệt hồ sơ hoàn tất.

Trường hợp con cái phụ thuộc có thể được bảo lãnh:
- Con ruột: Nếu cha/mẹ là công dân Canada, con có thể tự động có quốc tịch Canada, ngay cả khi sinh ra ở nước ngoài. Trường hợp con đã có quốc tịch Canada thì không cần bảo lãnh thường trú.
- Con nuôi: Yêu cầu tuân thủ quy trình bảo lãnh con nuôi riêng biệt với các thủ tục pháp lý và giấy tờ xác nhận quan hệ nhận nuôi hợp pháp.
- Con riêng của vợ/chồng hoặc bạn đời: Nếu bảo lãnh vợ/chồng hoặc bạn đời, con cái của họ cũng có thể được bảo lãnh và phải được khai báo là người phụ thuộc trong hồ sơ.
- Trẻ mồ côi: Trường hợp bảo lãnh trẻ mồ côi thuộc diện thành viên gia đình, cần thực hiện theo quy trình riêng, bao gồm các giấy tờ chứng minh tình trạng mồ côi hợp pháp.
- Yêu cầu đối với người bảo lãnh:
- Cung cấp đầy đủ hồ sơ, bao gồm các mẫu đơn và tài liệu cần thiết theo quy định.
- Hợp tác trong quá trình xét duyệt, cung cấp thông tin bổ sung khi có yêu cầu, bao gồm khám sức khỏe, sinh trắc học và lý lịch tư pháp (nếu cần).
- Không thuộc diện bị từ chối nhập cảnh vào Canada, chẳng hạn như có tiền án nghiêm trọng hoặc vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng nhập cư.
- Nếu chỉ bảo lãnh con mà không bảo lãnh vợ/chồng hoặc bạn đời, cần chứng minh rằng cha/mẹ còn lại hoặc người giám hộ hợp pháp đồng ý cho con nhập cư vào Canada.

Quy trình 5 bước bảo lãnh con cái sang Canada chi tiết
Quy trình bảo lãnh con cái sang Canada được thực hiện thông qua 5 bước chi tiết sau đây:
Bước 1: Đáp ứng điều kiện yêu cầu
Trước khi tiến hành hồ sơ bảo lãnh, bạn cần đảm bảo cả bạn và con đều đáp ứng các yêu cầu nhập cư do chính phủ Canada quy định đã được Phan Immigration đề cập ở phần trên.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng công cụ trực tuyến của chính phủ Canada “Come to Canada Tool” để kiểm tra sơ bộ xem bạn và con có đủ điều kiện tham gia chương trình bảo lãnh hay không.
Bước 2: Hồ sơ cần chuẩn bị khi bảo lãnh con sang Canada
Người bảo lãnh và người được bảo lãnh cần phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định để quá trình xét duyệt diễn ra suôn sẻ, tránh bị từ chối hoặc kéo dài thời gian xử lý. Dưới đây là danh sách các tài liệu cần thiết được Phan Immigration tổng hợp:
Mẫu đơn bảo lãnh và cam kết tài chính:
- Đơn xin bảo lãnh, Thỏa thuận bảo lãnh và Cam kết tài chính (IMM 1344): Xác nhận trách nhiệm bảo trợ con cái.
- Đánh giá tài chính (IMM 1283): Chứng minh khả năng tài chính để hỗ trợ con.
- Tuyên bố tình trạng sức khỏe (IMM 0133): Đảm bảo người bảo lãnh không phụ thuộc vào trợ cấp xã hội.
- Danh sách kiểm tra tài liệu (IMM 5287): Hướng dẫn những giấy tờ cần nộp.

Chứng từ chứng minh mối quan hệ với con cái:
- Giấy khai sinh của con cái: Xác nhận mối quan hệ huyết thống.
- Các giấy tờ pháp lý khác (nếu có): Quyết định nhận con nuôi, giấy xác nhận quyền giám hộ, hoặc giấy tờ liên quan khác để chứng minh quan hệ hợp pháp.
Hồ sơ của người được bảo lãnh (con cái):
- Đơn xin thường trú tại Canada (IMM 0008): Hồ sơ chính để nộp xin thường trú.
- Phụ lục A – Bối cảnh/Tuyên bố (IMM 5669): Cung cấp thông tin cá nhân và lịch sử cư trú.
- Thông tin bổ sung về gia đình (IMM 5406): Khai báo thông tin về các thành viên gia đình.
- Thông tin bổ sung – Lịch sử di chuyển (IMM 5562): Liệt kê các chuyến đi quốc tế trước đó.
Chứng từ cá nhân:
- Hộ chiếu hợp lệ.
- Giấy khai sinh.
- Giấy tờ tùy thân khác (nếu có).
- Ảnh chân dung theo tiêu chuẩn nhập cư Canada (mỗi thành viên trong hồ sơ cần cung cấp ảnh theo hướng dẫn).
Một số loại tài liệu bổ sung:
- Giấy khám sức khỏe: Do bác sĩ được chỉ định bởi Chính phủ Canada thực hiện.
- Giấy chứng nhận lý lịch tư pháp: Bắt buộc đối với người được bảo lãnh và các thành viên gia đình từ 18 tuổi trở lên, chứng minh không có tiền án, tiền sự.
- Biên lai thanh toán phí xử lý hồ sơ: Xác nhận đã nộp phí theo quy định.
Bước 3: Nộp đơn và đóng phí xin bảo lãnh con cái
Người bảo lãnh cần điền đầy đủ các mẫu đơn theo đúng diện bảo lãnh và cung cấp các tài liệu chứng minh hợp lệ. Các mẫu đơn này có thể tải trực tiếp từ trang web chính thức của Cơ quan Di trú, Tị nạn và Quốc tịch Canada (IRCC) hoặc nhận hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan chức năng. Để đảm bảo tính chính xác và tránh lỗi định dạng, hãy sử dụng phiên bản mới nhất của Adobe Reader khi điền hồ sơ.
Chi phí xử lý hồ sơ bao gồm:
Trường hợp | Chi tiết phí | Tổng phí (CAD) | Tổng phí (VND) |
Bảo lãnh con phụ thuộc | Phí bảo lãnh: 85 CAD
Phí xử lý hồ sơ cho mỗi con: 85 CAD |
170/mỗi trẻ | 3.041.322 |
Thêm con phụ thuộc vào hồ sơ của người phụ thuộc | Phí xử lý hồ sơ: 155 CAD (áp dụng khi thêm trẻ vào hồ sơ của người phụ thuộc hoặc người phụ thuộc quá tuổi) | 175/mỗi trẻ | 3.130.772 |
*Tỷ giá chuyển đổi ngày 25/3/2025
Bước 4: Chờ đợi thời gian xét duyệt hồ sơ
Quá trình xét duyệt hồ sơ bảo lãnh con cái sang Canada bao gồm nhiều bước quan trọng, mỗi bước có thời gian xử lý khác nhau tùy vào từng trường hợp cụ thể. Dưới đây là những giai đoạn chính:
- Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ ban đầu (1-2 tuần): Cơ quan Di trú, Tị nạn và Quốc tịch Canada (IRCC) sẽ kiểm tra xem hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu hay không. Nếu thiếu tài liệu, đương đơn có thể được yêu cầu bổ sung trước khi hồ sơ tiếp tục được xử lý.
- Xác minh tư cách của người bảo lãnh (4-6 tuần): IRCC kiểm tra người bảo lãnh có đáp ứng các điều kiện về tư cách cư trú, tài chính và các tiêu chí khác.
- Đánh giá điều kiện của người được bảo lãnh (8-12 tuần): Cơ quan chức năng xem xét hồ sơ của con cái đủ điều kiện nhập cư theo diện bảo lãnh.
- Kiểm tra y tế và lý lịch an ninh (6-8 tuần): Người được bảo lãnh phải trải qua kiểm tra sức khỏe do các cơ sở y tế được IRCC chỉ định thực hiện. Đồng thời, lý lịch tư pháp cũng sẽ được kiểm tra để đảm bảo không có vấn đề về an ninh hoặc phạm pháp.
- Xét duyệt và đưa ra quyết định cuối cùng (2-4 tuần): Sau khi hoàn tất tất cả các bước trên, IRCC sẽ ra quyết định cuối cùng là chấp thuận hoặc từ chối hồ sơ bảo lãnh.
Tổng thời gian xử lý hồ sơ có thể dao động từ 6 tháng đến 12 tháng, tùy thuộc vào độ phức tạp của từng trường hợp, khối lượng công việc của IRCC và thời gian phản hồi của đương đơn khi có yêu cầu bổ sung giấy tờ.

Bước 5: Nhận kết quả và xác nhận các bước tiếp theo
Sau khi hoàn tất quá trình xét duyệt, IRCC thông báo kết quả hồ sơ qua email hoặc tài khoản trực tuyến của người nộp đơn trên hệ thống IRCC. Dưới đây là các bước tiếp theo tùy theo kết quả nhận được:
Trường hợp hồ sơ được chấp thuận:
- Nộp hộ chiếu và ảnh mới nhất: Nếu yêu cầu cấp Visa, người được bảo lãnh cần gửi hộ chiếu và ảnh theo hướng dẫn từ IRCC.
- Nhận Confirmation of Permanent Residence (COPR) và Visa (nếu cần): COPR là giấy xác nhận thường trú, cần mang theo khi nhập cảnh Canada. Nếu người được bảo lãnh đến từ quốc gia yêu cầu Visa, thị thực nhập cảnh cũng sẽ được cấp.
- Chuẩn bị nhập cảnh và định cư tại Canada: Sắp xếp kế hoạch di chuyển, tìm hiểu về quy trình nhập cảnh, hoàn tất các thủ tục cần thiết và chuẩn bị tài chính cho giai đoạn đầu tại Canada.
Trường hợp hồ sơ bị từ chối:
- Xem xét lý do từ chối: Kiểm tra thư thông báo từ IRCC để hiểu rõ nguyên nhân và xem xét liệu có thể khắc phục trong tương lai.
- Cân nhắc việc kháng cáo: Trong một số trường hợp, người bảo lãnh có quyền khiếu nại lên Tòa án Di trú Canada trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận quyết định.
- Tìm kiếm tư vấn pháp lý (nếu cần): Nếu quyết định từ chối chưa rõ ràng hoặc có khả năng sai sót, nên tham khảo ý kiến từ luật sư di trú để xem xét các lựa chọn phù hợp.

FAQs thường gặp về cách bảo lãnh con sang Canada
Có nhất thiết phải cam kết tài chính khi bảo lãnh con không?
Có. Khi bảo lãnh con cái sang Canada, người bảo lãnh bắt buộc phải cam kết tài chính thông qua Thỏa thuận bảo trợ (Sponsorship Agreement) là hợp đồng ràng buộc pháp lý giữa người bảo lãnh và chính phủ Canada.
Cam kết tài chính bao gồm:
- Đảm bảo hỗ trợ tài chính cho con cái để tránh việc sử dụng các chương trình phúc lợi xã hội.
- Chi trả các chi phí cần thiết, bao gồm:
- Chi phí sinh hoạt (nhà ở, quần áo, thực phẩm,…).
- Chi phí y tế ngoài phạm vi bảo hiểm.
- Chi phí giáo dục (nếu con cái còn trong độ tuổi đi học).
- Chi phí hòa nhập xã hội và học ngôn ngữ (nếu cần).
Thời hạn cam kết:
Người bảo lãnh phải thực hiện cam kết tài chính trong 10 năm hoặc cho đến khi con cái đủ 25 tuổi, tùy điều kiện nào đến trước.
Mặc dù không yêu cầu mức thu nhập tối thiểu (Minimum Necessary Income – MNI) khi bảo lãnh con cái (trừ trường hợp con có con riêng đi kèm), nhưng người bảo lãnh vẫn phải chứng minh đủ khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ này.
Chi phí bảo lãnh con qua Canada bao nhiêu?
Chi phí chính phủ đưa ra để nộp hồ sơ bảo lãnh con sang Canada thường dao động từ 1.535 CAD đến 1.935 CAD (27.493.492,45 ~ 34.657.920,45 VND), bao gồm các khoản phí chính thức như: phí xử lý hồ sơ, phí quyền thường trú, phí sinh trắc học (nếu có), phí khám sức khỏe, phí dịch thuật, công chứng hồ sơ và một số chi phí phát sinh khác.
Lưu ý: Chi phí trên có thể thay đổi theo quy định của IRCC và cần cân nhắc thêm các chi phí sinh hoạt khi con đến Canada, bao gồm nhà ở, bảo hiểm y tế, học phí (nếu có), và các khoản chi tiêu cá nhân.
Có thể bảo lãnh con nuôi sang Canada hay không?
Có, bạn có thể bảo lãnh con nuôi sang Canada, nhưng quy trình bảo lãnh con nuôi thường phức tạp hơn so với bảo lãnh con ruột. Bạn cần đáp ứng một số yêu cầu sau đây:
- Nhận con nuôi phải được thực hiện theo quy định pháp luật của cả Canada và quốc gia nơi trẻ được nhận nuôi.
- Nếu quốc gia của trẻ tham gia Công ước Hague về Bảo vệ Trẻ em và Hợp tác trong lĩnh vực Con nuôi Quốc tế, quy trình phải tuân theo các điều khoản của Công ước này.
- Giấy chứng nhận con nuôi hợp pháp được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia của trẻ.
- Bằng chứng chứng minh mối quan hệ cha/mẹ – con cái (bao gồm các tài liệu xác nhận quyền giám hộ hợp pháp).
- Hồ sơ bảo lãnh con nuôi có thể mất 12 – 24 tháng tùy vào từng trường hợp và yêu cầu xác minh từ phía chính phủ Canada.
Lưu ý: Nếu con nuôi chưa được công nhận hợp pháp trước khi nộp hồ sơ bảo lãnh, bạn có thể cần hoàn thành thủ tục nhận con nuôi trước khi bắt đầu quy trình bảo lãnh. Để đảm bảo hồ sơ hợp lệ, bạn nên tham khảo hướng dẫn từ Cơ quan Di trú, Tị nạn và Quốc tịch Canada (IRCC) hoặc nhận tư vấn từ luật sư di trú.
Nếu con đã kết hôn thì có được bảo lãnh sang Canada không?
Không. Theo quy định, con cái đã kết hôn không đủ điều kiện để được bảo lãnh. Tuy nhiên, họ có thể tham gia các chương trình nhập cư khác như Express Entry hoặc Provincial Nominee Program (PNP).
Quá trình bảo lãnh con cái sang Canada đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ, tài chính và tuân thủ các quy định hiện hành. Do đó, bạn cần hiểu rõ quy trình và cập nhật thông tin mới nhất, giúp rút ngắn thời gian xử lý và tăng cơ hội thành công. Hãy đảm bảo rằng bạn đáp ứng đầy đủ điều kiện và chuẩn bị kỹ lưỡng để quá trình bảo lãnh diễn ra thuận lợi.