Canada đang thực hiện nhiều thay đổi quan trọng đối với các chính sách di trú và chương trình nhập cư. Những điều chỉnh này ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng khác nhau như du học sinh quốc tế, nhà đầu tư, người chăm sóc và người nói tiếng Pháp muốn định cư tại Canada. Bài viết này Phan Immigration sẽ giới thiệu luật di trú Canada giúp bạn hiểu rõ hơn về các chính sách mới và chuẩn bị tốt hơn cho hành trình nhập cư của mình.
Luật di trú và tị nạn Canada là gì?
Luật di trú và tị nạn Canada là một bộ luật quy định các nguyên tắc và điều kiện liên quan đến việc tiếp nhận công dân nước ngoài vào Canada, các quyền và nghĩa vụ của họ sau khi nhập cảnh, cũng như điều kiện dẫn đến việc trục xuất họ khỏi quốc gia này. Luật này được xây dựng nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ đoàn tụ gia đình và tuân thủ các hiệp ước nhân đạo mà Canada đã cam kết.
Luật chủ yếu được điều chỉnh bởi Đạo luật Bảo vệ Người Di trú và Tị nạn (Immigration and Refugee Protection Act – IRPA). Đạo luật này bao gồm các quy định liên quan đến nhiều diện di trú khác nhau.
Ngoài ra, theo Hiệp định Canada-Quebec năm 1991, tỉnh Quebec có quyền tự chủ trong việc tuyển chọn người di cư kinh tế định cư trong tỉnh này. Đến năm 2023, chính quyền Quebec tuyển chọn từ 50% đến 60% thường trú nhân sinh ra ở nước ngoài, trong khi phần còn lại do chính phủ liên bang đảm nhiệm.

>>Xem thêm: Quyền lợi & Điều kiện Thường Trú Nhân Canada mới nhất 2025
Lịch sử hình thành bộ luật di trú Canada
Lịch sử hình thành bộ luật di trú Canada:
- 1828 – Đạo luật điều chỉnh chở hành khách trên tàu buôn: Quy định đầu tiên về trách nhiệm đảm bảo an toàn và phúc lợi cho người di cư rời khỏi Quần đảo Anh.
- 1869 – Đạo luật Di trú: Chính sách di trú đầu tiên của Canada sau khi Liên bang hóa, tập trung bảo vệ người nhập cư khỏi bị bóc lột.
- 1872 – Đạo luật Đất đai Dominion: Khuyến khích định cư tại Đồng cỏ Canada, bảo vệ khu vực này khỏi sự tuyên bố chủ quyền của Mỹ.
- 1885 – Ủy ban Hoàng gia về Nhập cư Trung Quốc: Đề xuất áp dụng thuế đầu người đối với người nhập cư Trung Quốc.
- 1885 – Đạo luật Di trú Trung Quốc: Áp dụng thuế đầu người nhằm hạn chế nhập cư Trung Quốc, ban đầu là 50 CAD và tăng dần đến 500 CAD.
- 1906 – Đạo luật Di trú: Mở rộng các nhóm người bị cấm nhập cư và chính thức hóa quy trình trục xuất.
- 1906 – Đạo luật Di trú Trung Quốc Newfoundland: Áp thuế đầu người 300 CAD đối với người nhập cư Trung Quốc tại Newfoundland.
- 1908 – Quy định hành trình liên tục: Yêu cầu người nhập cư phải đến Canada qua một hành trình liên tục từ nước xuất xứ, ngăn chặn nhập cư từ Ấn Độ.
- 1910 – Đạo luật Di trú: Trao quyền quyết định lớn hơn cho chính phủ về việc nhập cư và trục xuất, cấm những người “không phù hợp với khí hậu”.
- 1923 – Đạo luật Di trú Trung Quốc: Hạn chế hoàn toàn nhập cư từ Trung Quốc.
- 1947 – Đạo luật Quyền công dân Canada: Lần đầu tiên xác định quyền công dân Canada, tách biệt khỏi khái niệm công dân Anh.
- 1952 – Đạo luật Di trú: Củng cố quyền hạn của chính phủ trong việc điều chỉnh nhập cư và trục xuất.
- 1962 – Quy định nhập cư: Loại bỏ phân biệt chủng tộc công khai khỏi chính sách nhập cư.
- 1967 – Hệ thống tính điểm nhập cư: Thiết lập tiêu chuẩn đánh giá khách quan cho người nhập cư dựa trên kỹ năng, ngôn ngữ và kinh nghiệm.
- 1976 – Đạo luật Di trú: Nêu rõ mục tiêu chính sách di trú, định nghĩa người tị nạn là nhóm riêng biệt và yêu cầu tham vấn các cấp chính quyền trong quản lý di trú.

Các cơ quan quản lý bộ luật di trú Canada
Bộ luật di trú Canada được quản lý bởi các cơ quan, tổ chức sau:
- Bộ Di trú, Người tị nạn và Công dân Canada (IRCC): Quản lý các vấn đề nhập cư, tị nạn, quốc tịch, cấp hộ chiếu và giấy tờ du lịch, đảm bảo quá trình tiếp nhận và định cư người nhập cư.
- Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA): Cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát biên giới, bảo đảm an ninh quốc gia, quản lý lưu thông người, hàng hóa, thực vật, động vật qua biên giới theo các quy định pháp luật.
- Hội đồng Di trú và Tị nạn Canada (IRB): Xử lý các vấn đề liên quan đến khả năng tiếp nhận, tạm giam, trục xuất, và kháng cáo các quyết định về di trú hoặc tị nạn.
- Ủy ban Biên giới Quốc tế: Duy trì và quản lý hiệu quả đường biên giới giữa Canada và Hoa Kỳ, bao gồm việc khảo sát, xây dựng cột mốc biên giới và dọn dẹp khu vực xung quanh.
Những nguyên tắc của luật di trú Canada
- Người tư vấn di trú hợp pháp: Tại Canada, ngành nghề tư vấn di trú được quy định và cấp phép chặt chẽ bởi chính phủ. Chỉ những cá nhân được cấp phép mới được công nhận là Tư vấn Di trú Hợp pháp. Do đó, Chính phủ luôn khuyến khích ứng viên nên sử dụng dịch vụ của những chuyên gia hợp pháp để đảm bảo chất lượng và tuân thủ pháp luật.
- Chuyên gia tư vấn di trú (RCIC): Chuyên gia Tư vấn Di trú Canada (RCIC) và các luật sư trong nước là những người được pháp luật cho phép cung cấp dịch vụ tư vấn di trú. RCIC tập trung vào luật di trú, trong khi các luật sư có thể hoạt động đa lĩnh vực pháp lý.
- Thẩm quyền xét cấp visa: Chính phủ Canada là cơ quan duy nhất quyết định việc cấp visa nhập cư. Không ai có quyền đảm bảo kết quả xin visa, mọi hành vi hứa hẹn đảm bảo kết quả visa của bất kỳ cá nhân hay của tổ chức đều vi phạm pháp luật.
- Các nội dung của tư vấn di trú hợp pháp: Tư vấn hợp pháp hỗ trợ ứng viên bằng cách cung cấp thông tin, đại diện pháp lý, thực hiện hồ sơ, hỗ trợ toàn diện để nâng cao khả năng thành công của hồ sơ xin visa.
- Trách nhiệm của ứng viên di trú: Ứng viên chịu trách nhiệm toàn diện với nội dung hồ sơ nộp, kể cả khi có tư vấn đồng hành. Sự tham gia của tư vấn không đảm bảo kết quả thành công, mà họ chỉ có thể giúp tăng khả năng thành công của hồ sơ.
- Trách nhiệm của tư vấn di trú hợp pháp: Tư vấn phải cung cấp dịch vụ đúng luật, hỗ trợ ứng viên hiệu quả và góp phần làm lành mạnh thị trường di trú. Họ phải tuân thủ pháp luật, cung cấp thông tin minh bạch và khuyến khích ứng viên tự giác tuân thủ quy định pháp luật.
- Nguyên tắc sử dụng thông tin: Ứng viên phải cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ và chính xác. Việc sử dụng thông tin cá nhân yêu cầu sự đồng ý bằng văn bản, mọi thông tin thuộc quyền sở hữu chung chỉ được chia sẻ khi có sự cho phép của cả hai bên.
- Phí tư vấn di trú: Phí tư vấn là chi phí để nhận dịch vụ hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ với chất lượng cao, không phải là khoản đảm bảo kết quả visa. Bất kỳ cam kết thành công nào của bất kỳ cá nhân hay tổ chức dù trực tiếp hay gián tiếp, đều không hợp pháp.

8 điều chỉnh trong luật di trú Canada năm 2024
Phan Immigration xin cập nhật cho quý anh chị 8 điều chỉnh trong luật di trí Canada năm 2024 để hỗ trợ quý anh chị có những chuẩn bị tốt hơn cho hành trình nhập cư đến quốc gia lá phong đỏ này.
Sửa đổi đối với chương trình Du học sinh Quốc Tế
Vào tháng 1 năm 2024, Bộ Di trú, Người tị nạn và Quốc tịch Canada (IRCC) đã công bố một loạt cải cách quan trọng đối với chương trình du học sinh quốc tế. IRCC đã thiết lập giới hạn tiếp nhận tối đa 360.000 du học sinh quốc tế trong năm 2024. Để thực hiện điều này, du học sinh quốc tế cần nộp thêm Thư Xác nhận của Tỉnh (Provincial Attestation Letter – PAL) do tỉnh bang hoặc vùng lãnh thổ cấp.
Bên cạnh đó, Canada đã áp dụng thêm các biện pháp kiểm soát nhằm duy trì sự bền vững của chương trình. Việc cấp giấy phép lao động mở cho vợ/chồng của du học sinh quốc tế giờ đây chỉ giới hạn ở vợ/chồng của những sinh viên đang theo học các chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ hoặc một số chương trình cấp bằng chuyên nghiệp đặc thù. Điều kiện tài chính cũng được siết chặt với mức yêu cầu bằng chứng quỹ tăng gấp đôi từ 10.000 CAD lên 20.635 CAD.
Chính phủ Canada cũng khôi phục chính sách giới hạn số giờ làm việc ngoài trường trước đại dịch COVID-19. Từ mùa thu năm 2024, du học sinh quốc tế chỉ được phép làm việc tối đa 24 giờ mỗi tuần ngoài trường học. Những sinh viên tham gia các chương trình nằm trong thỏa thuận cấp phép giảng dạy sẽ không còn đủ điều kiện để xin Giấy phép Lao động Sau tốt nghiệp (Post-Graduation Work Permits).

Những thay đổi đối với Luật Quốc Tịch
Vào ngày 19 tháng 12 năm 2023, Tòa án Cấp cao Ontario đã ra phán quyết lịch sử, tuyên bố rằng quy định giới hạn quyền công dân Canada cho thế hệ đầu tiên là vi hiến. Đầu năm 2024, Chính phủ Liên bang quyết định không kháng cáo phán quyết này, mở đường cho việc chuyển phán quyết thành luật.
Để thực hiện thay đổi, vào ngày 23 tháng 5 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Di trú, Người tị nạn và Quốc tịch, Ngài Marc Miller, đã trình Dự luật C-71 lên Quốc hội. Dự luật này đề xuất sửa đổi Luật Quốc tịch nhằm tự động trao quyền công dân Canada cho những người sinh ra và lẽ ra đã là công dân nếu không bị giới hạn thế hệ đầu tiên. Luật cũng dự kiến thiết lập một khuôn khổ mới cho quyền công dân theo dòng dõi trong tương lai, mở rộng quyền công dân vượt qua thế hệ đầu tiên dựa trên mối liên hệ chặt chẽ với Canada.
Sửa đổi đối với Chương trình Thị thực Khởi nghiệp và Chương trình Thường trú nhân Tự kinh doanh
Chương trình Thị thực Khởi nghiệp (Startup Visa) đã được điều chỉnh nhằm kiểm soát số lượng đơn đăng ký ngày càng tăng trong các năm gần đây. Hiện tại, mỗi Tổ chức được chỉ định chỉ được phép hỗ trợ tối đa 10 công ty khởi nghiệp có liên quan đến đơn xin thường trú (PR).
Trong khi đó, Chương trình Người lao động Tự kinh doanh đã tạm thời ngừng tiếp nhận đơn đăng ký mới cho đến tháng 1 năm 2027. Trong giai đoạn tạm ngừng này, IRCC sẽ tiếp tục xử lý các đơn đã nộp, đồng thời đánh giá và đề xuất các cải cách nhằm cải thiện hiệu quả của chương trình.
Đáng chú ý, các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi nguồn vốn từ Canada hoặc bởi các vườn ươm doanh nghiệp là thành viên của Mạng lưới Công nghệ của Canada sẽ được ưu tiên xử lý hồ sơ đăng ký.

Thường trú nhân (PR) theo diện dành cho Người chăm sóc
Vào tháng 6 năm 2024, IRCC đã công bố các chương trình thí điểm mới dành cho người chăm sóc, cho phép họ xin thường trú (PR) khi nhập cảnh vào Canada mà không cần có kinh nghiệm làm việc một năm tại quốc gia này như yêu cầu trước đó. Các chương trình này thay thế cho Chương trình Cung cấp dịch vụ Chăm sóc Trẻ em tại nhà và Chương trình Hỗ trợ Lao động tại nhà.
Ngoài ra, các yêu cầu về nghề nghiệp cũng đã được nới lỏng, cho phép người chăm sóc làm việc cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc bán thời gian và tạm thời cho những người đang hồi phục sau chấn thương hoặc bệnh tật. Chương trình này mở ra con đường dễ dàng hơn cho người chăm sóc tới việc làm và thường trú tại Canada.
IRCC cũng gợi ý rằng nếu số lượng tiếp nhận ổn định, các chương trình thí điểm này có thể được áp dụng vĩnh viễn.
Chương trình Nhà đầu tư Nhập cư của Quebec đã được mở lại.
Chương trình Nhà đầu tư Nhập cư của Quebec bị tạm ngừng vào năm 2019 và đã chính thức được khôi phục vào tháng 1 năm 2024. Chương trình nhập cư này theo dạng đầu tư thụ động, dành cho những công dân nước ngoài mong muốn nhập cư vào Quebec với tư cách nhà đầu tư và có tài sản ròng tối thiểu $2.000.000. Những ứng viên đủ điều kiện sẽ được cấp giấy phép lao động để vào Quebec và có thể tiến hành xin thường trú.
Điều kiện xin thường trú, người nộp đơn thành công phải cư trú ít nhất 12 tháng tại Quebec trong vòng hai năm kể từ ngày nhận giấy phép lao động. Ít nhất 6 tháng lưu trú do chính họ thực hiện và 6 tháng còn lại có thể do vợ/chồng của họ thực hiện.
Các nhà đầu tư muốn tham gia chương trình cần ký hợp đồng đầu tư với một tổ chức tài chính được chỉ định. Họ cũng phải thực hiện khoản đầu tư trị giá $1.000.000 trong vòng năm năm. Ngoài ra, các nhà đầu tư phải đóng góp không hoàn lại $200.000 cho Investissement Québec Immigrants Investisseurs Inc. Sau năm năm, khoản đầu tư $1.000.000 sẽ được hoàn lại mà không tính lãi.

Công bố Luồng Đổi mới Sáng tạo – Chương trình Innovation Stream Pilot
Vào tháng 3 năm 2024, IRCC đã công bố một lộ trình xin giấy phép lao động mới mang tên “Luồng Đổi mới Sáng tạo” nhằm hỗ trợ Chiến lược Nhân tài Công nghệ của Canada. Mục tiêu của chương trình này là thu hút và tuyển dụng các chuyên gia công nghệ toàn cầu.
Những ứng viên đủ điều kiện có thể nhận giấy phép lao động miễn trừ LMIA. Được áp dụng nếu họ nhận được lời mời làm việc từ các nhà tuyển dụng tham gia Dự án Tăng trưởng Siêu tốc Toàn cầu (GHP). Các đơn xin cho những công việc thuộc danh mục TEER 0 hoặc 1 sẽ được xử lý nhanh chóng hơn.
Giấy phép lao động này có thể có thời hạn lên tới 5 năm và cụ thể chỉ dành riêng cho nhà tuyển dụng. Có nghĩa là người lao động sẽ chỉ được phép làm việc cho nhà tuyển dụng được ghi trên giấy phép lao động của họ.
Chương trình hồ sơ nhập cư cho Cha mẹ và Ông bà
Vào năm 2024, IRCC có kế hoạch mời 35.700 ứng viên từ nhóm Cha mẹ và Ông bà PR để bảo lãnh cha mẹ hoặc ông bà của họ nhập cư vào Canada. Những ứng viên này sẽ được chọn ngẫu nhiên từ số người đã gửi Mẫu đơn bày tỏ nguyện vọng bảo lãnh vào năm 2020. Chương trình này bắt đầu cấp thư mời từ ngày 21 tháng 5 năm 2024.

Ưu tiên nhập cư đối với người nói Tiếng Pháp
Đẩy mạnh nỗ lực thu hút người nhập cư nói tiếng Pháp và phát triển cộng đồng ngôn ngữ thiểu số. IRCC đã ra mắt Chiến lược Nhập cư Người nói tiếng Pháp vào tháng 1 năm 2024. Chiến lược này sẽ được thực hiện trong 5 năm, tập trung vào các mục tiêu như tăng số lượng thường trú nhân nói tiếng Pháp. Thúc đẩy hợp tác quốc tế và hỗ trợ hội nhập cho người nói tiếng Pháp tại Canada. Trong năm 2024, IRCC đặt mục tiêu tiếp nhận 26.100 đơn xin thường trú từ người nói tiếng Pháp nộp đơn từ ngoài Quebec.
Chiến lược này kế thừa và mở rộng các chính sách trước đó, bao gồm việc ưu tiên ngôn ngữ trong hệ thống Express Entry và chương trình Di chuyển Người nói tiếng Pháp, vốn đã được nâng cấp vào giữa năm 2023.
Chính sách nhập cư Canada mới giai đoạn 2025 – 2027
Số lượng thường trú nhân giảm đến 20%
- Giảm chỉ tiêu thường trú nhân: 395.000 người (2025), 380.000 người (2026), và 365.000 người (2027).
- Ưu tiên ứng viên nội địa: 40% chỉ tiêu năm 2025 dành cho người đang sinh sống và làm việc tại Canada, nhằm tận dụng lực lượng lao động trẻ và giảm áp lực nhà ở, dịch vụ xã hội.
- Tập trung nhập cư diện kinh tế: 62% chỉ tiêu năm 2027 ưu tiên nhân lực ngành y tế và kỹ thuật tay nghề cao.
- Đoàn tụ gia đình và hỗ trợ nhân đạo: 20% chỉ tiêu cho đoàn tụ gia đình và duy trì chương trình hỗ trợ người tị nạn, nhóm thiểu số.
- Tăng cường nhập cư Pháp ngữ: Mục tiêu 8,5% (2025), 9,5% (2026) và 10% (2027) nhằm phát triển cộng đồng Pháp ngữ ngoài Quebec.

>>Xem thêm: Sổ bảo hiểm xã hội Canada (SIN) là gì? Các lưu ý quan trọng
Tỷ lệ người diện tạm trú xuống giảm xuống còn 5% vào cuối năm 2026
- Mục tiêu giảm người tạm trú: Đến cuối năm 2026, số lượng người tạm trú (bao gồm lao động nước ngoài và du học sinh) sẽ giảm xuống còn 5% tổng dân số Canada.
- Biện pháp cụ thể:
-
- Giới hạn số lượng đơn xin cấp giấy phép du học.
- Sửa đổi yêu cầu chi phí sinh hoạt cho du học sinh.
- Thay đổi điều kiện giấy phép làm việc sau tốt nghiệp.
- Hạn chế giấy phép làm việc cho vợ/chồng của du học sinh và lao động tạm thời.
- Giới hạn lao động nước ngoài ở các ngành nghề lương thấp, đồng thời tăng lương khởi điểm cho ngành nghề lương cao.
- Dự kiến số lượng người tạm trú được cấp phép: 673.650 người (2025), 516.600 người (2026) và 543.600 người (2027).

Tác động của kế hoạch nhập cư Canada mới
Kế hoạch nhập cư 2025–2027 được thiết kế để giúp Canada duy trì tốc độ tăng trưởng dân số hợp lý, giảm áp lực lên nhà ở, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng. Dân số Canada dự kiến sẽ giảm 0,2% trong giai đoạn 2025-2026, sau đó tăng 0,8% vào năm 2027.
Một trong những mục tiêu quan trọng là bổ sung khoảng 670.000 đơn vị nhà ở mới đến cuối năm 2027. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu nhà ở và cải thiện thị trường bất động sản, tạo thuận lợi cho người dân trong việc tìm kiếm nhà ở.
Kế hoạch cũng kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh mẽ và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nước. Mặc dù có một số điều chỉnh về chính sách nhập cư, kế hoạch này vẫn khẳng định cam kết của Canada đối với phát triển bền vững, phát triển kinh tế xã hội đi kèm với chất lượng cuộc sống cho mọi người dân.
Trên đây là những thay đổi mới nhất về luật di trú Canada mà chúng tôi đã tổng hợp. Hy vọng thông tin này sẽ hữu ích cho quý Anh Chị đang quan tâm đến các chương trình định cư tại Canada. Nếu quý Anh Chị cần thêm sự hỗ trợ hoặc thông tin chi tiết, đừng ngần ngại liên hệ với Phan Immigration qua số hotline 078 208 4466 để được tư vấn.